Trung Nghĩa

Trung Nghĩa

QUÊ TÔI

Thôn Trung Nghĩa (Làng Giữa)! Chẳng biết tự bao giờ, chẳng có ai nói cho ta biết rằng tại sao cái tên thôn, tên làng của ta lại như vậy? Trung là gì? Nghĩa là gì? và tại sao lại cả hai? (Trung Nghĩa). Tại sao lại không phải là phải, là trái, là trên, là dưới mà lại là Giữa?

            Ấy vậy mà ai cũng thế: Từ người được cha mẹ mang nhau thai chôn nơi đất ấy; Đến người phải bỏ nhau thai nơi đất khách quê người; Từ người sinh ra từ bé đến lớn với công danh, sự nghiệp, gia đình đều ở quê; Đến người chỉ ở quê vài ba, dăm bảy năm; Có người từ khi sinh ra đã chẳng biết quê. Tất cả, vẫn cứ đau đáu nhớ về nơi ấy; Thôn Trung Nghĩa (Làng Giữa) thân thương đến đỗi chẳng cần rõ căn nguyên.

            Quê tôi rất giàu, dù rằng từ khi biết đến khi lớn lên để bay đi với ước mơ của mình tôi chẳng biết quê mình giàu cái gì? Nhà ngói, cây mít lơ thơ; Đình, Chùa và cây đa to nghe nói là nhất vùng, đều bị giặc Pháp nổ mìn phá hết; Vành đai trắng để bảo vệ Đường số 10: Huyết mạch giao thông quan trọng, với 2 tuyến đường sắt và đường bộ song song; Đã làm cho tất cả những làng hai bên đường, không còn một ngôi nhà to, một búi cây rậm.

Phải rồi! Phải giữ đất để mà trồng cây, phải chăm cây mới có hoa thơm và quả ngọt; Với Pháp là trường kỳ kháng chiến; Với Mỹ là khốc liệt, hy sinh và với ta là hơn cả trường kỳ và khốc liệt. Bởi ta phải với hai bàn tay trắng và từ con số không; Cuộc chiến chống nghèo đói để tồn tại mà vượt lên giàu có; Ai dám nói là không trường kỳ và khốc liệt?

Xã tôi 2 lần Anh hùng; Làng tôi làng văn hóa được đi báo cáo điển hình; Danh nhân đất việt; Làng Xã tôi đều có, có nhiều; Những Nguyễn Phúc, Nguyễn Cơ Thạch, Song Hào, Văn Cao, Vũ Cao, Văn Ký, Vũ Tú Nam, Phạm Hào …. Bây giờ là Phạm Bình Minh và biết bao những người con ưu tú khác. Ai bảo là quê tôi không giàu?

Tôi yêu quê tôi vì bây giờ tôi mới biết và tôi đã hiểu; Không ở đâu làm tôi quên được hình bóng quê hương; Nơi ghi dấu bao nỗi nhọc nhằn của Cha và mặn chát mồ hôi của Mẹ!

                                                                     NGUYỄN VĂN THÂN

Bài viết trên Website: honguyentrungnghia.vn năm 2011


Về lịch sử làng Trung Nghĩa

Có một điều rất lạ là; Nếu muốn xem sử của Quốc gia, của Tỉnh, của Huyện thì chỉ vài phút tìm kiếm trên mạng là có ngay. Vậy mà hễ cứ tìm đến Sử của Xã và đặc biệt là về đến Làng, thì thật như tìm kim đáy biển; Cũng hơi buồn, nhưng biết làm sao? Lịch Sử của Làng là một thứ thật xa xỉ (cũng có thể là không cần thiết); Nên nếu muốn, cứ đi mà mò; Dẫu biết rằng việc đó không hề dễ.

Thế mà trong bài giảng về lịch sử cho học sinh lớp 6 của cô giáo Nguyễn Thị Phương Thảo thì lại nói như thế này: “Học Lịch sử để hiểu được cội nguồn của Tổ Tiên, Ông Cha, Làng Xóm, cội nguồn của dân tộc mình; Biết được tổ tiên, ông cha đã sống và lao động như thế nào để tạo nên đất nước ngày nay; Từ đó biết quý trọng những gì mình đang có; Biết ơn những người làm ra nó; Cũng như biết mình phải làm gì cho đất nước”

Mạnh dạn nói đôi điều như vậy; Để thấy Bản thảo cuốn Lịch sử của làng Trung Nghĩa, mà ông Vũ Đức Đảm đã viết quý giá như thế nào.

Cuốn sử làng ấy đã được đăng trên Facebook (nhóm Quê hương Trung Nghĩa – Hào Kiệt) vào năm 2015; Nay lại xin trình ra tại đây; Vừa là để cho dễ tìm, dễ đọc, vừa để lưu lại.

Trân trọng kính báo!

Đọc tiếp: “TRUNG NGHĨA HÀO KIỆT LÀNG QUÊ MẾN YÊU” tại đây!


Nghĩ về hương ước xưa và nay

Ảnh minh họa

Hương ước là quy ước của làng xã ngày xưa, là thể chế của lệ làng

Trong các kỳ hội làng ngày xưa, người ta không quên một nghi lễ quan trọng: Đọc Hương ước. Sau khi vị Tiên chỉ mũ áo chỉnh tề, thắp hương bái lạy trước hương án thờ Thành hoàng, một vị Tư văn được cử ra đọc Hương Ước cho cả làng nghe. Việc đọc Hương ước trong ngày lễ hội hội có ý nghĩa tâm linh và giáo dục rất lớn.
Hương ước là quy ước của làng xã ngày xưa, là thể chế của lệ làng. Lệ làng bổ sung cho phép nước. Nhắc đến các lệ làng, Hương ước xưa, người ta thường nghĩ đến những quy định khắt khe của xã hội phong kiến. Tuy nhiên, nếu đi sâu tìm hiểu Hương ước xưa, chúng ta thấy có rất nhiều yếu tố tích cực, tiến bộ, mang đậm nét nhân văn.
Sống và được yên ổn làm ăn, đó là mong ước của mọi nhà. Hương ước quy định nhiệm vụ bảo vệ an ninh là của mọi thành viên. Có địa phương, người ta còn ghép gia đình thành một liên gia để bảo vệ trị an cho nhau: “Cứ 5 gia đình thành lập một nhóm, nếu 5 gia đình này không giúp đỡ nhau, gây gổ nảy sinh các việc bất hòa thì sẽ bị phạt từ 5-10 quan”.

Hương ước này còn quy định cụ thể:
“Mất gà không tìm thấy: Phạt 2 con gà; mất bò cũng thế: phạt gấp đôi. Đánh nhau: phạt gấp đôi tiền chữa bệnh. Chửi nhau bất hòa: Phạt 5-10 quan”(Trích Hương ước xã Phú Phong, Hương Khê, Hà Tĩnh lập ngày 25-2 năm Thiệu trị thứ 4-1844). Ở đây ta thấy Hương ước quy định rất cụ thể cộng đồng trách nhiệm. Hương ước xã Đồi Trung, Ý Yên, Nam Định lại quy định: ”Nếu trong xã bị trộm cướp ở phương khác đến thì phải cộng lực vây bắt, giải trình quan trên và phải cung cấp đầy đủ chứng lý, không nên tùy tiện đánh nặng hay đánh chết nhằm tiêu hủy mọi sự việc, chứng cứ”. Rõ rang quy ước này rất tiến bộ. Vừa bắt buộc người dân có trách nhiệm với an ninh của cộng đồng, vừa mang tính nhân đạo: Không đánh chết, đánh trọng thương kẻ ăn cắp, mà phải bắt giải lên nhà chức trách để trừng trị theo pháp luật.
Đó là đối với cộng đồng, còn đối với gia đình, Hương ước cũng quy định rất cụ thể: “Nhà ai có con hay an hem hư đốn, khó dạy thì trong nhà phải tự phân xử. Nếu gia đình không phân xử nổi làm ảnh hưởng đến trật tự trị an của làng thì phải phạt 100 đồng tiền, hoặc phạt bằng cách lấy của gia đình ấy 2 sào ruộng làm lệ phí giữ gìn trật tự trị an” (Hương ước xã An Đổ-Bình Lục-Hà Nam).
Hương ước cũng quan tâm đến trách nhiệm của con cái với cha mẹ nhất là khi cha mẹ già yếu: “Không nuôi bố mẹ, đánh chửi bố mẹ, làng phạt 120 quan”( Làng Phú Phong-Hương Khê-Hà Tĩnh). “Hàng tháng, con phải đóng góp tiền nuôi bố mẹ, không được thờ ơ, khinh bỉ bố mẹ. Nếu thờ ơ, khinh bỉ bố mẹ, bị làng phạt từ 3-5 lạng bạc và đánh 5-20 roi”( Làng Thu Xà, Nghĩa Hòa, Quảng Trị).
Trong quan hệ nam nữ, trước đây chúng ta cứ tưởng Hương ước các làng xã quy định rất ngặt nghèo, nhất là đối xử với các cô gái lỡ chửa hoang…Thế nhưng, có nhiều bản Hương ước quy định rất thoáng, hợp tình hợp lý khi xử lý việc này: “Trai chưa vợ thông dâm với gái chưa chồng, có chửa hoặc đã đẻ, nếu lấy nhau rồi thì thôi, nếu không lấy nhau, làng phạt mỗi người 20 quan, phạt bố mẹ mỗi bên 10 quan”( Làng Vân Chàng, Can Lộc, Hà Tĩnh). Như vậy, nếu cô gái chửa trước nhưng có người thừa nhậ và sau đó cưới xin đàng hoàng thì không hề có tội. Đây là một quan điểm rất nhân đạo và tiến bộ trong cách nhìn nhận của cộng đồng về quan hệ nam nữ. Hay: “Phụ nữ chửa hoang, đẻ con trai, làng cho một áo tơ; đẻ con gái, làng cho 3 vuông vải xanh. Bé trai lớn lên được vào sổ định của làng” (Làng Thi, xã Xuân Hy, Xuân Trường, Nam Định). Như vậy, con không cha vẫn được làng nhìn nhận như con cái của các gia đình bình thườn khác mà không hề có phân biệt đối xử.
Hương ước cũng đưa ra những biện pháp rất sáng tạo để lập quỹ xây dựng và phát triển làng xã: “Con gái đi lấy chồng ngoài xã thì nộp tiền 5 đồng và 100 miếng trầu. Nếu lấy chồng trong xã thì nộp 1 đồng và 100 miếng trầu. Số tiền trên dùng mua gạch để lát đường làng, đường xóm” (Làng An Đổ, Bình Lục, Hà Nam). “Con gái đi lấy chồng thì nộp tiền lan nhai (lát đường) là 2 quan. Nếu gia đình nghèo khó thì 1 đấu xôi và 100 miếng trầu” (Làng Phú Phong, Hương Khê, Hà Tĩnh). Cũng trong lệ cưới xin, có làng có những phong tục rất hay là trồng cây lưu niệm: Trai làng lấy vợ phải cùng vợ trồng một cây mít kỷ niệm tại quê; gái làng lấy chồng xa thì phải cùng chồng trồng một cây mít trước khi rời quê về nhà chồng.
Chế độ khuyến học cũng có từ ngày xưa. Hương ước của nhiều làng xã đều quy định chế độ khen thưởng với người đỗ đạt: “Ai học hành tiến đạt, đỗ cao, được thưởng 1 quan: đỗ cao hơn nữa được thưởng 2 quan, dần đến 10 quan” (làng Phú Phong, Hương Khê, Hà Tĩnh). Hay: “Trích 8 xào ruộng học điền, lấy kinh phí làm giả thưởng động viên con em học tập” (Thôn Trực Tuấn, Nam Trực, Nam Định).
Tất nhiên, không phải trong Hương ước chỉ toàn những điều tích cực, tiến bộ. Có những điều khoản lạc hậu chúng ta cần phê phán như quy định về cỗ bàn tế lễ, chia phần, quy định về chỗ ngồi của các chức dịch. Nhiều khi người ta xích mích nhau chỉ vì một góc thiếu ở chốn đình trung hay đơn giản chỉ vì một phần xôi thịt. Bởi vì người ta quan niệm “một miếng giữa làng còn hơn một sang xó bếp”.
Ngày nay, chúng ta tìm hiểu Hương ước không phải là để khôi phục lại các lệ làng xưa, mà chúng ta có thể tham khảo Hương ước để tìm những mặt tốt, những điểm tiến bộ trong khi vận dụng để xây dựng Quy ước về nếp sống văn hóa văn minh trong thời đại hiện nay ở các địa phương. Việc xây dựng nếp sống văn hóa hiện đang là một phong trào, không chỉ về bề rộng mà cả chiều sâu, diễn ra trên khắp đất nước.

Nguồn: http://hanta.org.vn/nghi-ve-huong-uoc-xua/view_22.aspx

Hương ước ngày nay dân làng cũng bàn bạc và soạn thảo, nhưng theo chỉ thị, thông tư v.v… và căn cứ vào Luật và Pháp lệnh v.v… Và trong số những bản Hương ước ấy có HƯƠNG ƯỚC LÀNG TRUNG NGHĨA năm 2018

Đọc Hương ước làng Trung Nghĩa (tại đây)


Sưu tầm

Nguyễn Văn Thân

Tổng hợp tin bài trên Website